Nhiều người quan niệm học ngoại ngữ theo kiểu bổi “tức là học nói nhiều hơn học viết; ngữ pháp ko vững”. Việc học ngoại ngữ như vậy rất nhanh nhưng chỉ để dùng giao tiếp thông dụng, đa phần là cách học của những người làm nghề du lịch. Bạn biết đấy, tấm bằng hay tờ giấy chứng chỉ còn là thước đo đánh giá cho việc đạt được mục tiêu của bạn..
Dưới đây là chia sẻ của anh Dũng Mori về vấn đề này
Tấm bằng có cần thiết không? Và một vài lời khuyên chân thành cho các bạn đang luyện thi N.
Người thật việc thật:
1. Ở Dũng Mori, ban đầu sẽ căn cứ vào trình độ bằng cấp N mấy để quyết định mức lương khởi điểm. Cứ đỗ thêm 1 N, ví dụ từ N4 lên N3 thì sẽ được tăng lương thêm ít nhất 2 triệu.
2. Có đứa em gái ruột thịt, khi tham gia chương trình điều dưỡng, đã được miễn phí 10man tiền nhập học vào trường tiếng ở Osaka vì đã đỗ N3.
3. Thỉnh thoảng lại có đứa học sinh hỏi: Ơ, anh chị này đã có N1 chưa mà đòi đi dạy người ta thế???
4. Có đứa học sinh của mình làm ở công ty Nhật (bên kĩ thuật) lúc đỗ N3 liền rối rít cảm ơn cô vì có N3 rồi, bạn ý được tăng lương và có cơ hội đi Nhật. Nghe bảo ở công ty của bạn ý người ta còn quy định màu thẻ nhân viên theo từng trình độ N khác nhau. Ôi!!! Dã man….
Trên đây chỉ là một vài ví dụ diễn ra ngay xung quanh cuộc sống của mình khiến mình hiểu rằng: tấm bằng N thực sự sẽ vô cùng cần thiết trong những lúc như thế. Tất nhiên, chỉ một bài thi thì không thể đánh giá được chính xác 100% năng lực của một ai đó được, đặc biệt trong trường hợp nếu bạn có N2, N1 mà lại chẳng giao tiếp được câu nào với người Nhật bằng tiếng nhật thì chuyện bị đuổi việc sẽ là điều đương nhiên.
Về chuyện này, mình từng có một kinh nghiệm đau thương xin được kể ở đây. Đợt ấy sau 2 năm học tiếng Nhật mình có bằng N2. Vì học ở Việt Nam nên giao tiếp vẫn hạn chế vô cùng nhưng lúc đó trong lòng tưởng bở có N2 rồi chắc cũng phải ghê lắm đây. Thế là lúc được 1 đứa bạn nhờ đi dịch ở buổi tọa đàm về chủ đề phân bón cho một giáo sư người Nhật với các bạn sinh viên trường Nông Nghiệp, mình chẳng ngại ngần mà đồng ý luôn. Và kết quả là, cả buổi mình đứng nói bập bẹ, liên xiên, mấy đoạn không hiểu thì nhìn powerpoint rồi chém bừa. Từ bữa đó, sợ mỗi khi người ta hỏi có N mấy rồi? Hu Hu. Nhưng dần dần, khi khả năng giao tiếp giỏi lên, tự tin hơn thì lại thấy cái bằng N cũng nhiều cái lợi. Đi xin làm thêm bên Nhật, người ta cứ xem mình N mấy đã, rồi thấy giao tiếp ổn ổn là cho mình vào làm luôn, thậm chí là tăng lương rất nhanh cho mình nữa.
Thế nên, nếu coi bằng cấp là một cái chìa khóa, nếu biết tận dụng và phát huy nó, chúng ta sẽ mở được ra rất nhiều cơ hội.
Và điều quan trọng, biển học là mênh mông, đừng nhét mình vào một giới hạn nào cả. Hãy tiếp thu học hỏi mình một cách cầu thị và cầu tiến nhất, để năng lực của chúng ta phù hợp với tấm bằng mình đang có.
Cuối cùng, xin đưa ra một vài lời khuyên cho các bạn đang luyện thi JLPT: Nếu không muốn mình vẫn mãi là một con gà tiếng Nhật dù đã có N nọ N kia thì ngay từ lúc đang ngồi cặm cụi luyện thi này, hãy làm một vài thứ thiết thực dưới đây như:
1. Học thật nhiều từ vựng, chữ hán (vì đối với người học ngoại ngữ, biết nhiều từ vựng là một lợi thế không chỉ trong thi cử mà còn trong cả cuộc sống hàng ngày)
2. Ngoài luyện các bài nghe hiểu, đọc hiểu theo dạng đề thi, hãy nghe và đọc nhiều hơn hàng ngày.
Nghe gì? Nghe tin tức, phim ảnh, các kênh Youtube…với những thông tin gần với cuộc sống hàng ngày.
Đọc gì? Đọc tin tức trên báo chí, các mẩu tin thông báo bằng tiếng Nhật mà bạn gặp ở mọi nơi trong trường học hay ở đồn cảnh sát, đọc sách Càng Nhiều Càng Tốt.
3. Đi thi người ta không kiểm tra mình nói giỏi hay không, nhưng hãy cố tạo môi trường giao tiếp với bạn bè bằng tiếng Nhật, với người Nhật thì càng tốt.
4. Đi thi người ta cũng chẳng kiểm tra mình viết văn hay như thế nào, nhưng nếu có thể, mỗi ngày hãy luyện viết nhật kí bằng tiếng Nhật, tìm một đứa bạn Nhật nào để nhắn tin, thỉnh thoảng viết thư hỏi thăm ai đó ở Nhật, hoặc tự dưng một ngày đẹp trời viết một bài văn thật hay rồi mang lên cho cô giáo chữa.
Đừng hỏi tại sao khi có bằng rồi mà bạn vẫn chưa giỏi? Chẳng qua vì bạn không đầu tư đủ công sức để nâng cao năng lực thực sự của mình mà thôi.
Còn các bạn, bạn nghĩ sao về câu hỏi trong hình: Tấm bằng JLPT có thực sự cần thiết?
Nguồn: fb Dũng Mori