Luận bàn về công cuộc đèn sách xứ người!

Một thế kỷ trước, cụ Phan Bội Châu đã thực hiện cuộc viễn du sang Nhật Bản, Trung Quốc để mở mang kiến thức và từ đó rất nhiều sĩ phu yêu nước khác cũng đi theo con đường du học. Họ ra nước ngoài nhằm học hỏi, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ để về giúp dân, giúp nước. Cụ Phan ra đi mang theo ý chí và lòng căm thù giặc ngoại xâm nung nấu bấy lâu. Ngày nay trong thời bình thì ước mơ đi ra nước ngoài học tập của học sinh Việt Nam nhằm tiếp thu những kiến thức tiên tiến của thế giới về giúp đất nước đang trên con đường xây dựng và phát triển. Một thực tế không thể phủ nhận là thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều hạn chế. Những hạn chế này bắt nguồn từ các nguyên nhân về lịch sử – xã hội, tồn tại dai dẳng ở nhiều vị trí và đưa lại nhiều hậu quả cho tình hình giáo dục nước nhà giai đoạn hiện nay. Tình hình nội tại này cộng với những ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của văn hóa thế giới trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay đã từng bước hình thành quan điểm và xu hướng du học trong các tầng lớp cư dân thành phố.

Trong hoàn cảnh hiện tại, nền giáo dục nước ngoài đang có nhiều ưu điểm hơn, và đặc biệt là khắc phục được nhiều hạn chế trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay như: trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin; môi trường rèn luyện tốt cho các bạn trẻ về bản lĩnh và tính chủ động; đó cũng là hướng đi “mở” cho những ai không đỗ đại học trong nước;… Những yếu tố này chủ yếu xuất phát từ chính sách phát triển một nền giáo dục hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục trong nước. Chính những ưu điểm trên đã không ngừng thu hút các bạn trẻ dấn thân ra nước ngoài du học. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 10 năm trở lại đây, mỗi năm có vài ngàn du học sinh tự túc. Với đà tăng trưởng của nền kinh tế nước ta nhờ chính sách “mở cửa” và “hội nhập”, bên cạnh những đối tượng trí thức được du học bằng kinh phí nhà nước, đã có rất nhiều học sinh ra nước ngoài học tập bằng con đường tự túc kinh phí hoặc học bổng cá nhân. Trên thực tế, du học tự túc có thể được nhìn nhận như là thực hiện xã hội hóa trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.

Khi giao lưu với các bạn sinh viên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói: “Thế kỷ 20 là thế kỷ các thế hệ cha ông giữ lấy đất nước này. Thế kỷ 21 các bạn phải nắm lấy vận mệnh đất nước, đưa đất nước đi lên. Niềm vui nhất đối với chúng tôi là khi mình nhắm mắt, mình tin rằng con cháu mình sẽ làm hay hơn mình. Chúng tôi đầu bạc hết rồi, điều chúng tôi muốn nói cuối cùng trong buổi hôm nay, các bạn là tương lai của đất nước, đừng để mất niềm tin đó trong cha mẹ, trong chúng tôi. Hãy tin rằng chúng tôi luôn dành cho các bạn tất cả lòng tin yêu”.

Có thể nói, du học chính là một trong những cách thức để các bạn trẻ ngày nay thực hiện được khát khao, hoài bão và sự trông cậy của thế hệ cha ông cũng như thực hiện được trọng trách của mình đối với tương lai đất nước.