Hôm nay, tôi sẽ gợi ý cho bạn những kinh nghiệm phỏng vấn du học Nhật Bản để bạn có thể có một tâm lý tự tin nhất khi đối đầu với các cuộc phỏng vấn.
Khi phỏng vấn du học Nhật Bản, Hầu hết các bạn học sinh đều tỏ ra lo lắng khi chuẩn bị phỏng vấn với các thầy cô giáo của trường tại Nhật, bởi tâm lý lo sợ mình sẽ không nói được lưu loát, tự ti về ngoại hình, hay vì thành tích học tập chưa cao.
1. Hãy xem đây là một buổi trò chuyện
Hãy xem cuộc phỏng vấn như là một cuộc đối thoại, là cơ hội để bạn trình bày mục tiêu, kế hoạch cũng như những mối quan tâm với các thầy cô có kinh nghiệm.
Sau đây là những câu hỏi mà các bạn thường gặp khi đi phỏng vấn:
– Lý lịch của bạn: quá trình học tập, kinh nghiệm nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình và sự chăm sóc nuôi dưỡng của cha mẹ. Bạn hãy trình bày một cách rành rọt, không nên ấp úng, tránh bị các thầy cô hiểu lầm là bạn không trung thực.
– Thành tích học tập: điểm trung bình qua mỗi cấp học, bạn đứng thứ hạng bao nhiêu, các thành tích tham gia hoạt động ngoại khóa khác mà bạn đã đạt được như các hoạt động thể thao, dự án nghiên cứu khoa học…
– Dự định tương lai của bạn: đó là những kế hoạch cho việc học tập và nghề nghiệp. Khả năng tài chính và các nhu cầu: bạn đã có thu nhập riêng và khả năng tiết kiệm hay thu nhập của gia đình bạn như thế nào? Nhu cầu tài chính của bạn là bao nhiêu khi dự tính cho việc đi du học. Các thông tin về tài chính là rất quan trọng đặc biệt với những thí sinh đi du học tự túc.
2. Những quy tắc cơ bản cho buổi phỏng vấn
Để có được một buổi phỏng vấn có không khí tự nhiên, là một người đến phỏng vấn, bạn cần nắm rõ những quy tắn cơ bản sau:
– Đúng giờ: người Nhật rất coi trọng việc đúng giờ. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất là bạn nên đến sớm nửa tiếng, để chắc chắn rằng mình không bị muộn. Đến sớm cũng giúp bạn tránh khỏi cảm giác hồi hộp, và giúp bạn chỉnh sửa lại trang phục một cách tốt hơn.
– Trang phục: nên có trang phục phù hợp với vai trò là một người được phỏng vấn để không gây phản cảm với mọi người mà bạn thì vẫn tự tin thoải mái với bộ trang phục của mình. Không nên mặc quần Jean áo phông đến tham gia một buổi phỏng vấn. Cũng đừng quên những chi tiết nhỏ khác nhưng cũng không kém phần quan trọng như đầu tóc, tư thế dáng đi.
– Tạo ấn tượng tốt ngay từ đầu: khi bắt đầu vào phỏng vấn bạn nên bắt tay, giới thiệu bản thân, giao tiếp cả bằng ngôn ngữ và ánh mắt.
– Trả lời ngắn gọn và trung thực: cố gắng tóm tắt các câu trả lời của bạn một cách nhanh nhất và dễ hiểu. Người phỏng vấn sẽ tiếp tục đưa ra câu hỏi nếu họ muốn biết thêm thông tin.
– Chuẩn bị sẵn những câu hỏi: đây là một cách để bạn thể hiện sự quan tâm thực sự tới chương trình giáo dục, cuộc sống… nơi mà bạn dự tính theo học.
– Những thông tin có trong hồ sơ xin học: bạn nên kiểm tra lại những thông tin đã trình bày trong hồ sơ xin học để không có những sai lệch khi bạn phải trình bày lại trong buổi phỏng vấn.
– Giải quyết tình huống: đây là một cách để người phỏng vấn có thêm cơ sở để đánh giá bạn. Không nên ngần ngại nói “Tôi không biết” hay đặt ra câu hỏi. Nếu bạn vẫn chưa hiểu câu hỏi nên hỏi lại để trả lời vào đúng vấn đề.
– Cám ơn: Không quên nói lời cảm ơn trước khi rời buổi phỏng vấn.
Những kinh nghiệm mà chúng tôi chia sẻ với các bạn, để lúc nào các bạn cũng tự tin và chiến thắng trong các kỳ phỏng vấn du học nhé. Chúc các bạn thành công!
Tùng Lâm