Những chuẩn bị cần thiết cho du học sinh

Phụ huynh và học sinh quan tâm đến du học cần chuẩn bị tốt ít nhất 4 yếu tố sau:  tài chính, kiến thức, tư tưởng, ngoại ngữ và các kĩ năng mềm.

1. Về tài chính

Nhất thiết, bạn phải có đủ tiền học và tiền ăn ở trong thời gian du học. Cần nhớ rằng tuy một số nước cho phép sinh viên lao động để có thêm thu nhập, nhưng thu nhập từ nguồn này khó đủ để trang trải cho học phí, tiền làm thêm chỉ có thể giúp du học sinh trang trải phí sinh hoạt. Có một thuận lợi là số tiền học phí không phải nộp một lần cho toàn bộ khoá học mà sinh viên được phép nộp theo năm hoặc theo kỳ. Với chi phí sinh hoạt, du học sinh nên tự quản lý một cách hợp lý để có thể tiết kiệm chi phí nhất.

2.  Về kiến thức
Để du học thành công, bạn phải trang bị cho mình kiến thức khoa học, ngoại ngữ, địa lý, lịch sử, văn hoá và đặc biệt, pháp luật và giáo dục của nước bạn chuẩn bị đến du học, để hòa nhập nhanh hơn và tránh các cú sốc không cần thiết.

3. Về tư tưởng
Đừng hình dung du học là hoàn toàn thuận lợi, sung sướng, và nước đến du học là thiên đường hay miền đất hứa. Cuộc sống và học tập ở đâu cũng có những khó khăn riêng. Để tồn tại và thành công, bạn phải biết cách giải quyết các khó khăn đó. Thực tế khi du học, học sinh vất vả hơn so với khi ở nhà với bố mẹ. Bạn sẽ phải tự mình làm lấy từ những việc đơn giản nhất như nấu ăn, giặt đồ đến những việc phức tạp nhất: xử lý các vấn đề về học tập, tâm lý, tình cảm của mình. Ví dụ:
•    Làm thế nào – nếu hết tiền mà bố mẹ chưa kịp gửi sang? (Bí quyết là: những khi còn “rủng rỉnh”, hoặc làm thêm được – nên “bỏ lợn”, khoản này thường bố mẹ không biết và như thế, nếu bố mẹ có chậm gửi một chút, ta vẫn có thể tồn tại được);
•    Nếu bạn thân không muốn chơi với mình nữa thì sao? (Bí quyết: chưa phải là ngày tận thế, ai cũng gặp chuyện này ít nhất một lần trong đời, ta chưa chơi thân với các bạn khác là vì ta chưa muốn đấy thôi, và đây là cơ hội để làm điều đó…);
•    Nếu bị trượt một vài môn? (Bí quyết: không quá hoảng sợ, hãy thành thực báo cho bố mẹ biết – chắc chắn bố mẹ sẽ không bỏ rơi bạn, hãy bình tĩnh xem vì sao bị trượt, có thể thi lại hay học lại bằng cách nào hiệu quả nhất, kiểm tra chi tiết với nhà trường, nói chuyện với Student Advisors).

4. Về ngoại ngữ
Hãy xem xét các yêu cầu về ngoại ngữ dưới đây và tự chuẩn bị những gì mình cần phải có. Với các nước nói tiếng Anh, yêu cầu chung là:
•    Để nhập học dự bị đại học, A level hoặc cao đẳng: tương đương IELTS đạt 5.0 hoặc 5.5 trở lên và không môn nào dưới 5;
•    Để vào thẳng đại học: tương đương IELTS 6.0- 7.0  trở lên và không môn nào dưới 6;
•    SAT, GRE và GMAT nếu du học US, Canada hoặc MBA ở một số nước;
 
5. Các kĩ năng mềm
Rất quan trọng. Bạn cần tự chuẩn bị cho mình các kỹ năng này để tồn tại và thành công ở môi trường mới lạ. Chúng bao gồm nhưng không giới hạn trong các kỹ năng: máy tính, sử dụng internet và điện thoại, giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý công việc, quản lý chi tiêu, đi chợ và nấu ăn, chọn hàng, sinh hoạt/ vệ sinh cá nhân…

Lưu ý:
•    Cần dành thời gian thích đáng để chuẩn bị cho du học. Chuẩn bị về ngoại ngữ là lâu dài nhất, học sinh cần dành từ 1-2 năm để học ngoại ngữ trước khi du học, sao cho khi đến nước bạn, học sinh đã có khả năng giao tiếp tối thiểu. Chuẩn bị về tài chính thông thường kéo dài từ 3-6 tháng và các phụ huynh cần kiểm tra trước các yêu cầu về chuẩn bị tài chính của nước học sinh sẽ đến du học để có kế hoạch chuẩn bị phù hợp.
•    Nhớ là: khi ở nhà, bạn được bao bọc bởi bố mẹ, có bố mẹ giúp giải quyết các vướng mắc. Khi du học, bạn phải tự làm lấy mọi chuyện, nhưng thực ra, khi gửi bạn du học, bố mẹ bạn và chính bạn cũng đã tin rằng bạn có thể tự giải quyết các vấn đề của mình rồi. Vì vậy, bạn phải học cách tự giải quyết, nhưng nhất thiết không nên giấu bố mẹ các “problems” của mình, người lớn sẽ có những lời khuyên, cách tháo gỡ các vấn đề hợp lý.

Nguồn: ducanhduhoc

Thanh Phương tổng hợp