Ngày 7/6 vừa qua, chính phủ Nhật Bản thông báo đang lên kế hoạch hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia khiến dư luận không khỏi sửng sốt.
Đây được xem là bước đầu cho cuộc cải cách đại học toàn diện của nền giáo dục Nhật Bản trong thời gian tới theo tư tưởng canh tân từ thời Minh Trị.
Nội dung của thông báo này nêu rõ: Sẽ có một Ủy ban Chính phủ Nhật Bản bao gồm 15 người sẽ được thành lập để nghiên cứu một hệ thống thi đại học mới để thay thế, đứng đầu là Giáo sư Kaoru Kamata của Đại học Waseda. Theo đó, học sinh sẽ phải tham gia các kỳ thi với tất cả các môn học trong suốt quá trình phổ thông với tần suất 2 – 3 lần/năm. Sau đó, học sinh sẽ được lựa chọn số điểm cao nhất để xét tuyển vào đại học.
Mục đích của cuộc cải cách này nhằm nâng cao trình độ nhân lực và không để “sót” nhân tài chỉ vì áp lực thi cử của kỳ thi đại học như thời điểm hiện tại.
Hiện tại Ủy ban này đang hoàn thành nghiên cứu về hệ thống thi đại học mới này để trình lên Quốc hội và Thủ tướng Nhật Bản xem xét.
Từ năm 1990, Nhật Bản bắt đầu áp dụng thi tuyển sinh đại học quốc gia. Mỗi kỳ thi là những lần căng thẳng khiến học sinh rơi vào trạng thái bị stress nặng nề. Cảnh tưởng các thí sinh lên chùa cầu nguyện trước mỗi kỳ thi đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc. Áp lực từ rất nhiều phía, cộng với thời gian thi cử 5 môn trong hai ngày đã khiến nhiều sĩ tử rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Trong những năm qua nền giáo dục Nhật Bản được đánh giá có những bước chuyển biến tích cực. Vừa qua, Đại học Tokyo đã trở thành trường ĐH tốt nhất ở châu Á do tạp chí Times Higher Education (Anh) bình chọn. Ngoài ra, tại lễ trao giải Nobel Y học vừa qua, cái tên Shinya Yamanaka cũng được xướng lên.
Tùng Lâm