Trung tâm Shoji Okubo là một nơi chứa đồ thất lạc ở thủ đô Tokyo, rộng đến 660 mét vuông nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Theo Japan Times, hằng năm, kho chứa đồ này tiếp nhận hàng triệu món đồ thất lạc, từ mắt kính, chìa khóa, điện thoại, tiền mặt cho đến những thứ tưởng như không thể bỏ quên như… hũ đựng tro cốt.
Theo thống kê, trong năm 2016, có tới 3,83 triệu đồ vật bị thất lạc và thật bất ngờ khi ô che mưa lại là món đồ bị thất lạc nhiều nhất. Theo quản lý trung tâm Shoji Okubo, có khoảng 3.000 chiếc ô bị thất lạc ở Tokyo trong một ngày mưa gió. Chỉ riêng 2016, trung tâm đã tiếp nhận tổng cộng gần 400.000 chiếc cả cũ lẫn mới, từ hàng bình dân cho đến những chiếc ô đắt tiền.
Nhật Bản quy định đồ vật thất lạc phải được trả lại cho chủ sở hữu hoặc giao tại đồn cảnh sát địa phương. Ngoại trừ những món đồ dễ lần ra danh tính của chủ sở hữu như thẻ tín dụng, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, đa phần các vật dụng hàng ngày như mũ nón và ô dù, giày dép, thậm chí hàng hiệu… đều không thể tìm được người nhận lại.
Nếu sau ba tháng mà không ai đến nhận thì người nhặt được chúng sẽ đương nhiên được sở hữu món đồ đó. Tuy nhiên số người mất đồ và số người nhặt đồ rồi giao nộp cho cảnh sát đến đồn nhận lại chúng rất nhỏ, bởi họ cho rằng mua lại còn nhanh hơn.
Vì vậy, để giải quyết kho đồ dần quá tải từng ngày, các món đồ sau thời gian dài không ai đến nhận sẽ được bán để xung công quỹ. Cũng trong năm ngoái, hơn 32 triệu USD tiền mặt mà người dân nhặt được đã được giao nộp cho cảnh sát Tokyo nhưng chỉ 74% số tiền được trả lại cho đúng chủ nhân, còn khoảng 8,3 triệu USD không có người nhận cũng đã được đưa vào quỹ chung.
Nói về việc quá tải này, Ông Shigeru Haga, giáo sư khoa tâm lý của trường đại học Rikkyo ở Tokyo cho biết ngày nay, các thiết bị công nghệ như máy tính bảng hay điện thoại thông minh làm con người mất khả năng tập trung. Do vậy, số lượng các món đồ thất lạc ngày càng nhiều.
Ông Saneyoshi Yogi, giám đốc công ty Saitama-based PX Co., đơn vị chuyên mua bán đồ cũ cho biết công ty của ông đã chi hơn nửa triệu đô tại 4 buổi đấu giá. Ông Yogi ước tính có khoảng 40.000 món đồ như vali du lịch, đàn guitar điện, đồng hồ hàng hiệu và cả thú nhồi bông được rao bán tại mỗi buổi đấu giá. Ông chia sẻ thêm: “Có trời mới biết bạn sẽ tìm thấy gì. Thiên hạ bỏ quên đủ thứ. Có lần chúng tôi mua được một chiếc đàn bass. Tôi không thể hiểu làm sao người ta có thể bỏ quên một vật to như thế”.
“Khả năng tập trung của chúng ta có hạn”, giáo sư Haga đã đưa ra lời khuyên. Vì vậy chúng ta hãy cất điện thoại vào trong túi hoặc luôn cầm ô trên tay để khỏi quên khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng.
(Ảnh: Internet)