Con đường du học vừa học vừa làm đầy nghiệt ngã gian nam

Cách đây 2 năm, N. (xin được phép không công bố tên thật của nạn nhân), chàng thanh niên xấu số quê miền Trung, lo lắng nhưng hồ hởi, đặt chân xuống sân bay Narita, với khát vọng mở ra một trang mới cho cuộc đời mình.

Đã có tấm bằng cử nhân của một trường đại học tại Việt Nam, nhưng N. vẫn quyết định thay đổi tương lai, bằng cách đăng ký sang du học tại Nhật Bản.

Cơn lốc những “tấm gương” thành đạt tại Nhật Bản, với những câu chuyện đẹp như mơ được rỉ tai nhau về thu nhập hàng tháng lên tới 30-40 triệu đồng khiến cho N. và gia đình càng thêm quyết tâm.

Những người cùng làng sang Nhật Bản theo diện du học sinh, khi về quê ăn Tết, với phong cách hiện đại, với những bộ quần áo rét Uniqlo ấn tượng, với những chiếc Iphone đời mới, với những câu chuyện về một xã hội văn minh… đã khiến N. và gia đình hoàn toàn tin tưởng.

Vay mượn được gần 200 triệu, N. quyết định đăng ký làm thủ tục sang Nhật làm du học sinh qua một công ty môi giới có văn phòng tại khu vực Giáp Bát, Hà Nội. Với trình độ sẵn có, N. hoàn thành các khóa Nhật ngữ sơ cấp được tổ chức tại Việt Nam.

Những thủ tục phức tạp nhất, liên quan đến chứng minh tài chính, làm thủ tục hồ sơ du học của N. đều được công ty môi giới đứng ra giải quyết. Là con nhà nông, không thể chứng minh được thu nhập, công ty môi giới “phù phép” cho N. một bộ hồ sơ đẹp với chi phí 5-10 triệu.

Sau khi bỏ ra tổng cộng trên 40 triệu tiền phí dịch vụ cho công ty môi giới, nộp tiền học phí qua tài khoản ngân hàng cho trường phía Nhật hết khoảng 180 triệu… N. chia tay người thân và bạn bè, cõng trên mình một khoản nợ trên 200 triệu, rời sân bay Nội Bài trên chuyến bay quốc tế lần đầu tiên trong đời.

Bánh vẽ con đường du học Nhật Bản

Theo lý thuyết các công ty tư vấn du học vẽ ra, công thức “thành đạt” điển hình của một du học sinh tự túc khi đặt chân đến Nhật Bản là học 2 năm trong một trường Nhật ngữ, nếu đủ trình độ tiếng Nhật sẽ học tiếp lên các trường đại học của Nhật Bản.

Khi hoàn thành đại học tại Nhật, họ sẽ làm việc trong các doanh nghiệp của Nhật Bản. Người nào có ý muốn ở lại Nhật, sẽ tiếp tục làm việc lâu dài cho tới khi đạt đủ điều kiện có giấy chứng nhận vĩnh trú, xa hơn là trở thành công dân Nhật.

Một con đường “thành đạt” khác là sau khi làm việc tại Nhật một thời gian để học hỏi kinh nghiệm và hấp thụ văn hóa làm việc của Nhật, họ sẽ quay trở về Việt Nam để làm việc trong các công ty Nhật, với vị trí quản lý hoặc kỹ sư. Nếu may mắn, họ có thể đặt chân vào một vị trí trong ban giám đốc.

Cũng theo các công ty tư vấn du học Nhật Bản, trong quãng thời gian 2 năm học tiếng trên đất Nhật, các du học sinh sẽ dễ dàng kiếm được việc làm, với thu nhập quy đổi từ 30-40 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này, nếu biết chi tiêu tiết kiệm, họ sẽ để dành được tiền để gửi về cho gia đình.

Với cách tính lạc quan như vậy, khoản nợ trên 200 triệu đồng mà các du học sinh phải bỏ ra để được đặt chân sang đất Nhật sẽ được giải quyết trọn vẹn muộn nhất chỉ trong quãng thời gian 2 năm học tiếng.

 

Chuyện làm thêm kiến tiền đối với du học sinh ở Nhật

 

Những dự tính tươi đẹp dần đổ vỡ

Ngay từ những ngày đầu đặt chân sang đất Nhật, những dự tính tươi đẹp của N. đã lần lượt bốc hơi theo những sự thật trần trụi mà N. phải đối diện. Điều đầu tiên là chuyện kiếm việc làm không hề dễ dàng như vẫn hình dung như ở Việt Nam.

Phải chờ một thời gian dài, phía trường học mới giới thiệu được việc làm cho N. Công việc tại nhà máy cơm hộp đem lại thu nhập không như mơ ước, chỉ có 7,5 man (khoảng 15 triệu đồng).

Trừ đi tiền học phí, N. chỉ còn lại chừng 6 triệu đồng/tháng.  Số tiền còn lại được chi tiêu tiết kiệm cho tất cả các nhu cầu khác như ăn ở, đi lại, tiền điện thoại… tính ra vẫn còn chưa đủ, gia đình từ quê nhà vẫn phải gửi thêm tiền.

Lại phải thêm một thời gian nữa, N. mới kiếm được một việc làm có thu nhập cao hơn, nhưng đòi hỏi phải làm xuyên đêm. Công việc này đem lại cho N. thu nhập hàng tháng chừng 35 triệu đồng, nhưng phải thức nguyên đêm ròng rã 22 ngày trong một tháng.

Thu nhập chừng 35 triệu/tháng, nhưng sau khi trừ đi hết mọi chi phí như tiền học, điện thoại, tiền nhà, tiền tàu xe, tiền ăn, tiền phát sinh… thì N. thực sự không thể tiết kiệm được bất cứ đồng nào để gửi về cho gia đình.

Nhưng điều nguy hiểm nhất là việc thức đêm liên tục đã tàn phá nhịp sinh học, khiến cho N. trở nên “bất lực” với chuyện học hành. Mỗi sáng lên lớp, N. lơ mơ không thể tiếp thu chữ nghĩa.

Những mặt chữ tượng hình bắt buộc phải cập nhật liên tục để cho những bậc học cao hơn đã không thể chui được vào đầu. Ngày qua ngày, vị trí ngồi của N. đã dần dần dịch chuyển từ bàn đầu xuống bàn cuối của lớp. Bạn bè trong lớp tiếng Nhật kể lại, N. đã không còn cảm thấy xấu hổ với việc cắm đầu tranh thủ ngủ, bất kể cảm giác của giáo viên.

Khác với các quốc gia khác, vốn đánh giá cao việc tự học và quyết định mang tính cá nhân của học sinh, ở Nhật Bản, điểm chuyên cần trong các lớp học tiếng được đặt lên hàng đầu. Việc du học sinh hiện diện từ 3-3,5 tiếng mỗi ngày trong lớp là điều bắt buộc. Vậy nên, để đối phó, N. vẫn phải đều đặn thực hiện một chu trình bắt buộc: đi học – về ngủ – đi làm.

Gánh nặng nợ nần

Nếu hình ảnh du học sinh Việt tại Nhật hiện lên trong mắt mọi người khá lung linh, thì nó chỉ đúng với những du học sinh được hưởng học bổng toàn phần, hoặc những du học sinh tự túc gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, yên tâm chăm chú vào việc học, nếu có làm thêm cũng là những công việc nhẹ nhàng, chủ yếu thêm tiền tiêu vặt.

Còn đối với những du học sinh như N., với gánh nặng nợ nần đang lơ lửng trên đầu, với áp lực phải tự lập lo toàn bộ cuộc sống, với sự kỳ vọng là sự “cứu rỗi” cho cả gia đình họ tộc được chia ở thì tương lai… những tháng ngày ở Nhật được chính N. thừa nhận là một “kiếp khổ như trâu”.

Những du học sinh tự túc này gần như bị tách biệt hoàn toàn ra khỏi cuộc sống thường nhật, bị triệt tiêu toàn bộ những hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thậm chí là cả chuyện tình cảm nam nữ.

Hoạt động sinh hoạt tập thể có ý nghĩa duy nhất, là việc vào ngày cuối tuần, những người bạn cùng hoàn cảnh tụ lại nhà nhau, uống say, rồi ngủ vùi, rồi khi mở mắt ra là lại tiếp tục một chuỗi ngày sống mòn.

…Và sự giãy giụa để cố gắng thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn túng bấn ấy, là một quyết định sai lầm của N., khi quyết tâm bỏ học, trốn ra ngoài để làm toàn thời gian.

Suy nghĩ của N., cũng như rất nhiều du học sinh Việt khác khi đó, là chấp nhận sống như thế thì cũng không học lên cao được nữa, chi bằng tập trung kiếm tiền gửi về trả nợ. May mắn hơn nữa, là có thể tích luỹ thêm được một khoản dự trữ, để quay về Việt Nam có vốn mà làm ăn, để khỏi tủi hổ với cảnh quay về nước mà tay trắng.

Cú trượt chân định mệnh

Xưa nay nhân định thắng thiên vốn là chuyện khó như lên trời, huống chi còn gắn liền với những quyết định vốn không được pháp luật thừa nhận.

Trong một đêm cuối năm, N. ra ngoài chơi với bạn. Khi Cảnh sát Nhật đột ngột xuất hiện kiểm tra giấy tờ, N. hoảng sợ vùng bỏ chạy. Cú trượt chân định mệnh đã khiến đầu N. đập xuống đất, rồi không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Khi người thân của N. sang đến nơi, em đã được đưa vào phòng lạnh. Một căn phòng trắng toát, một cỗ quan tài trắng toát, những bông hoa trắng toát… là tất cả những gì còn lại của một chàng trai năm nào, quyết định bước đi, với ánh mắt còn rụt rè sợ hãi, nhưng đầy quyết tâm và khát vọng.

Có lẽ, những ngày tháng đau buồn ấy, lại là những ngày tháng yên bình nhất của N. kể từ thời điểm bước chân sang đất Nhật. Những bạn bè thân phiêu bạt tứ tán khắp nơi đã tụ về chia tay N., làm thủ tục hỏa táng trọng thể tại Shibuya, đưa về nương tựa ở chùa Nisshin Kutsu để làm lễ cầu siêu…

Ánh mắt cảm thông và hành động cúi đầu chào của nhân viên xuất nhập cảnh tại phi trường Haineda trước lọ hài cốt của N., sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh tại cửa đặc biệt, như một lời tiễn biệt vĩnh viễn của nước Nhật.

Đến bao giờ, những thân phận Việt, thoát khỏi vòng cương tỏa của áp lực miếng cơm manh áo, có thể thênh thang đi khắp thế giới, mà không còn phải đau, phải buồn đến vậy?