Cuộc tranh luận quanh chuyện du học sinh về hay ở lại được xới xáo lên nhân chuyện của TS Doãn Minh Đăng, rồi tới chia sẻ thẳng thắn của Nguyễn Thành Vinh – Á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên.
Riêng du học Nhật tự túc mà những năm gần đây nở rộ, mình khẳng định có đến 99% các bạn muốn ở lại Nhật Bản làm việc sau khi hoàn thành xong chương trình học. Đây là suy nghĩ chủ quan của mình thôi nhé, không biết có đúng vậy không. Từ thực tế hàng vạn người đang phải ra nước ngoài làm việc và đóng góp lượng lớn kiều hối (Năm 2010, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt mức 8,26 tỉ USD thì đến năm 2011 đã tăng 9 tỉ USD. Năm 2012, con số này cán mức 10 tỉ USD, đưa Việt Nam lọt vào danh sách 10 nước nhận kiều hối cao nhất thế giới. Đến năm 2013, Việt Nam tiếp tục đón dòng kiều hối lên đến 11 tỉ USD, 2014 – khoảng 12,1 tỷ USD). Những đóng góp này, xét về giá trị tài chính thậm chí còn lớn hơn nhiều lần so với hàng vạn người đang làm việc trong nước.
Bài viết này xin chia sẻ lại những suy nghĩ của bạn Ngô Văn Luyến – du học sinh ở Pháp, về việc trở về nước tìm cơ hội phát triển. Luyến từng tốt nghiệp thạc sỹ tại ĐH Telecom SudParis và có gần 5 năm kinh nghiệm làm việc về lĩnh vực công nghệ thông tin tại Pháp nhưng anh Ngô Văn Luyến (SN 1981, Bắc Giang) vẫn quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp. Anh từng được Forbes Việt Nam bình chọn là nhân vật doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu. Danh sách này gồm những nhân vật vừa chớm bước qua tuổi 30 và đã xây dựng được nền tảng vững chắc, đang vươn cao trong sự nghiệp của mình.
Năm 2015, Luyến được Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 cựu sinh viên tại Pháp có thành tích nổi bật, được vinh dự là 1 trong 10 VIP trong lễ ra mắt France Alumni cùng với những cây đại thụ như Giáo sư Ngô Bảo Châu, bà Tôn Nữ Thị Ninh. Hiện nay, anh Ngô Văn Luyến đang là CEO và Founder của một công ty Game hàng đầu tại Việt Nam. Trong đó, nhiều sản phẩm từng “lọt” Top bảng xếp hạng Appstore và gây được tiếng vang lớn trong khu vực cũng như thế giới.
Cũng như nhiều du học sinh khác, khi quyết định về nước lập nghiệp anh Ngô Văn Luyến đã từng phải đặt lên bàn cân, quyết định “về” hay “ở”.
“Không nhất thiết về nước mới là cống hiến”
Anh suy nghĩ ra sao khi anh Nguyễn Thành Vinh – Á quân Đường lên đỉnh Olympia cho rằng về nước là sự lãng phí lớn khi môi trường làm việc ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện để họ phát huy năng lực và giá trị bản thân?
Tôi không theo dõi câu chuyện của anh Nguyễn Thành Vinh nhưng tôi thấy điều này cũng có phần đúng.
Thực tế nhiều bạn bè của tôi có dự định làm về lĩnh vực nghiên cứu, khoa học sau khi du học cũng thường chọn con đường ở lại làm việc. Ở Việt Nam không có đủ điều kiện, môi trường cho những nghành này phát triển.
Chế độ đãi ngộ chưa cao nên rất khó để có thể chuyên tâm làm việc mình yêu thích, tâm đắc. Hiện nay, phần lớn những bạn bè của tôi khi về nước làm việc đều có cuộc sống khó khăn trong khi số chọn lựa ở lại thì có công việc tốt hơn. Tất nhiên chuyện về nước hay không còn tùy thuộc vào nghành nghề, công việc và quan điểm của mỗi người. Nhưng đa phần, những người về nước là do họ không tìm được một công việc tốt, ưng ý ở nước ngoài.
Nhưng tôi thấy nhiều người về nước vẫn thành công đó thôi, ví dụ như anh chẳng hạn. Bởi nếu chỉ đưa ra những khó khăn để không về thì lấy ai để cống hiến, xây dựng đất nước?
Tôi nghĩ cống hiến có nhiều cách không nhất thiết phải về nước mới là cống hiến. Điều này phụ thuộc vào cách suy nghĩ, định hướng của mỗi người. Cũng giống như việc cho tiền chẳng hạn, có người làm từ thiện, người làm kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho những người khác cũng là cách gián tiếp giúp xã hội phát triển hơn, bớt thất nghiệp đi. Việc quay về hay ở lại không quan trọng bằng việc bạn cống hiến những gì cho đất nước.
Nhiều người không quay về nhưng họ kiếm được nhiều tiền gửi cho bố mẹ, anh chị em cũng là một cách cống hiến. Hoặc khi tôi làm việc tại Pháp nếu công ty cần những bạn thực tập viên tôi sẽ ưu tiên những bạn người Việt Nam nếu họ đáp ứng đủ yêu cầu. Cái đó cũng là một cách cống hiến chứ!
Anh Ngô Văn Luyến ngoài cùng bên phải chụp ảnh cùng GS. Ngô Bảo Châu trong một sự kiện diễn ra tại Việt Nam
Còn nếu như về nước mà không làm tốt, không thể hiện được năng lực của bản thân thì cũng không thể gọi là cống hiến được. Ví dụ như một số bạn bè của tôi công tác trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy. Làm việc một thời gian thì họ cảm thấy chán nản, bế tắc vì không có một môi trường tốt. Như thế cũng rất “lãng phí”!
Tại sao nhiều người sợ “về nước”?
Môi trường ở đây nên hiểu thế nào thưa anh? Đây có phải là nguyên nhân chính mà nhiều du học sinh Việt “sợ” về nước làm việc hay không?
Môi trường ở đây gốm nhiều yếu tố. Trước tiên là về vấn đề kinh tế, những người nghiên cứu muốn chuyên tâm thực hiện đam mê, cống hiến cho công việc thì họ phải được đãi ngộ một cách xứng đáng. Họ phải lo được cho bản thân, gia đình và không còn thường trực nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” thì mới làm tốt công việc của mình được. Ví dụ khi ở nước ngoài với năng lực của họ lẽ ra phải được trả từ 40 – 50.000 ero nhưng khi về nước lương chỉ khoảng chục triệu, không đủ trang trải cuộc sống..
Thứ hai nữa, môi trường làm việc tức là những người làm việc cùng mình rất quan trọng. Mình mong muốn môi trường làm việc chuyên nghiệp nhưng những người làm việc cùng mình họ lại không có cùng chí hướng. Chẳng hạn mục đích nghề nghiệp của tôi là đam mê nghiên cứu, cống hiến nhưng của người kia lại muốn thăng tiến thì rõ ràng không thể tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả, tạo sự hứng thú trong công việc.
Du học sinh bỏ công sức, thời gian để học tập thì tất nhiên mong muốn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt là hoàn toàn chính đáng.
Nếu chỉ nhìn thấy những mặt “xấu” như vậy thì chắc chắn anh đã không về nước lập nghiệp?
Bản thân tôi thích cái mới mẻ, làm việc tại Pháp mấy năm đầu tiên cũng rất hứng thú nhưng sau đó mọi việc đi vào quỹ đạo thì tôi lại bắt đầu có cảm giác nhàm chán. Ban đầu tôi dự định mở công ty tại Pháp nhưng chi phí nhân sự, hoạt động ở đó rất cao nên sau khi tìm hiểu tôi quyết định về nước lập nghiệp
Rất may là tôi làm về kinh tế nên không gặp phải những vấn đề khó khăn về môi trường, cơ chế làm việc. Hiện nay ở Việt Nam những ngành như công nghệ thông tin có cơ hội, tiềm năng, nhân lực không thua kém quá nhiều so với thế giới. Vì thế có thể là tôi may mắn khi có một môi trường thuận lợi để làm những gì mình thích và đam mê.
Anh Ngô Văn Luyến cho rằng, đa phần những du học sinh trở về là do họ chưa tìm được một công việc ưng ý ở nước ngoài
Anh Ngô Văn Luyến cho rằng, đa phần những du học sinh trở về là do họ chưa tìm được một công việc ưng ý ở nước ngoài
Khi quyết định về nước, anh có phải đắn đo nhiều không? Và nếu đặt chuyện về hay ở lên bàn cân thì anh “cân” những gì của hai điều đó?
Trước khi về bản thân tôi cũng phải đắn đo cân nhắc rất kỹ. Thời gian ấy kéo dài khoảng 6 tháng. Bởi khi ấy tôi đang có một công việc rất tốt với mức lương vào khoảng 3.000 euro/một tháng. Với mức lương này tôi có thể nuôi sống gia đình một cách dư dả mà không phải lo lắng quá nhiều về kinh tế. Còn khi về Việt Nam tất nhiên tôi sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, bắt đầu đi lên từ con số 0. Đặc biệt chính sách xã hội về y tế, giáo dục… ở Việt Nam chắc chắn không thể tốt bằng Pháp được. Cũng vì lý do này mà gia đình tôi phản đối rất nhiều.
Hồi trước tôi cho rằng phải kiếm được thật nhiều tiền, công danh phải thật rạng rỡ mới là thành công nhưng ngày nay thì lại khác. Thực ra, thành công ở đây là bản thân mình cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có, hạnh phúc với công việc mà mình đang làm. Bởi những giá trị vật chất mà mình tạo ra cuối cùng cũng chỉ để phục vụ bản thân mình mà thôi. Ví dụ như tôi, tôi thích mỗi sáng được ngồi uống trà đá với bạn bè “chém gió”, niềm hạnh phúc này ở nước ngoài mình không có được nhưng ở Việt Nam ngày nào mình cũng có thể có. Đấy là hạnh phúc giản dị nhưng tôi hài lòng với những gì mình đang có.
Rõ ràng việc thành công ở Việt Nam hay không là do bản thân mỗi người chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cơ chế. Bởi nếu bản thân họ không cố gắng, không bứt phá thì dù có ở môi trường tốt đến mấy cũng sẽ gặp thất bại?
Tôi không đồng ý với việc đổ lỗi cho hoàn cảnh. Quan điểm của tôi là thế này, bạn đi hay ở là do mình quyết định, không ai ép buộc cả. Trước khi bạn trở về thì nên tìm hiểu, nắm rõ thông tin, lĩnh vực mà mình định chọn lựa. Nếu quay về rồi mà chán nản thì do bản thân bạn quyết định chưa chuẩn xác hoặc không như mình mong muốn thì phải tự tìm cách để vận động, thay đổi. Bạn có thể tìm một môi trường, cơ hội khác tốt hơn. Quyền quyết định luôn nằm ở mình vì thế tôi nghĩ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Hơn nữa, đứng nghĩ là về nước là nhất định phải tìm được một công việc lương cao, ổn định. Thực ra, thành công ở đây là bản thân mình cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có, hài lòng với cuộc sống chứ không cần phải nổi tiếng, nhiều tiền sự nghiệp thật rạng rỡ. Quan trọng nhất là cá nhân mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với những gì mình đang làm.
Xin cảm ơn anh!
Hà Trang