Bị so sánh khả năng tiếm tiền tại Nhật, người hào hứng, kẻ tủi lòng!

Rất nhiều bạn từng chia sẻ việc bị so sánh khả năng kiếm tiền với những người khác khi sang Nhật và cảm thấy tổn thương. Trên thực tế có rất nhiều bạn sang Nhật với mục đích học tập và không phải chỉ để kiếm tiền nên việc bị so sánh thế này thật sự không hay. Ngoài ra thì đồng tiền kiếm được ở Nhật không hề dễ dàng và đồng tiền chân chính nào cũng đầy những giọt mồ hôi nên rất đáng quý. Khi nghe những lời so sánh vô tâm và thiếu thông cảm ấy từ chính những người thân thiết của mình sẽ rất dễ khiến bạn thấy đau lòng.

Đối tượng thực tập sinh

Không phải bạn nào sang Nhật cũng nhận được mức lương như nhau. Tùy vào công việc các bạn làm, mức độ vất vả hơn thì lương cũng có nhiều phụ cấp hơn, công việc làm thêm nhiều thì tiết kiệm được nhiều hơn; việc này tùy thuộc vào mức độ chịu khó của từng bạn nữa. Hơn nữa, còn phụ thuộc vào vùng miền bạn làm việc, ví dụ như những khu trọng điểm công nghiệp công việc sẽ ổn định và lương cao hơn. Bạn là người chăm chỉ, biết cách chi tiêu tiết kiệm thì nguồn tiền của bạn cũng theo đó mà đầy lên; ngược lại, nếu bạn nghĩ sang Nhật là một chuyến du lịch chỉ ăn và tiêu xài với vô vàn sở thích mới mẻ thì dĩ nhiên tiền gửi về nhà sẽ cứ vậy mà ít thôi.

Thông tin các đơn hàng là khác nhau; yêu cầu trình độ khác nhau. Có diện kỹ sư và lao động; yêu cầu có tiếng hoặc không tiếng; cũng có đơn hàng đòi hỏi thể lực và chiều cao. Vậy nên, bạn biết đấy, mức độ khó trong yêu cầu sẽ tương đương với mức lương bạn nhận được.

Đối tượng du học

Mục đích chính vẫn phải là việc học tập rồi. Đa phần các bạn sang Nhật du học theo diện tự túc nên trang trải chi phí khá khó khăn. Trên thực tế đến 90% du học sinh đi làm thêm; mức lương các bạn được trả sẽ tùy thuộc vào mức lương tối thiểu của vùng. Khác với các bạn thực tập sinh, du học sinh phải lo chi trả rất nhiều khoản phí: phí thuê nhà, phí điện nước, phí mạng, học phí, phí sinh hoạt,…Trong khóa học đầu (trường Nhật ngữ) các trường học tại Nhật cũng tạo điều kiện cho các bạn du học sinh bằng việc rút ngắn thời gian học chỉ 3 – 4 tiếng/ngày; thời gian còn lại dành cho việc làm thêm. Thực ra, làm thêm là cách các bạn va chạm cuộc sống, trải nghiệm nhiều hơn, tăng vốn tiếng cá nhân; tuy vậy, nếu như bạn bỏ học để đii làm kiếm tiền thì đó là điều không hay chút nào. Mục tiêu các bạn cần đạt được là tấm bằng tốt nghiệp trường Nhật ngữ; tiền làm thêm chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí và học phí. Bởi vậy, các bậc bố mẹ đừng đem con mình ra so sánh với các bạn đi diện lao động nhé. Có thể tự túc mà không phiền tới kinh tế gia đình; lại học hành thành đạt thì đó mới là điều đáng khen ngợi!