Trước khi ăn người Nhật thường nói “itadakimasu”, đó là một câu nói lịch sự nghĩa là “xin mời”. Nó nhấn mạnh sự cảm ơn tới người đã cất công chuẩn bị bữa ăn. Khi ăn xong, họ lại cảm ơn một lần nữa “gochiso sama desh*ta” có nghĩa là “cám ơn vì bữa ăn ngon”. Phong cách ăn uống điển hình của người Nhật hiện nay như thế nào?
Phong cách, thói quen ăn uống của người Nhật đã bị Âu hóa đi nhiều và trở nên khá đa dạng. Thay đổi rõ nét nhất là sự xuất hiện của bánh mỳ trong các bữa ăn. Hiện nay có rất nhiều người dùng bánh mỳ, trứng, sữa, và uống cà phê hay trà cho bữa sáng.
Thập kỷ trước đây, các nhân viên công sở thường mang theo hộp cơm trưa tới nơi làm việc nhưng hiện nay thì tại các quán ăn gần nơi công sở bạn có thể tìm thấy đủ các món ăn thay đổi theo khẩu vị từ phương Tây cho tới khẩu vị truyền thống của Nhật.
Tại đa số các trường tiểu học, trung học của Nhật đều có phục vụ bữa trưa, được thiết kế với thành phần dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng và tất nhiên là có cả khẩu vị của các món ăn phương Tây lẫn khẩu vị truyền thống của Nhật.
Các bữa ăn tối của người Nhật cũng thay đổi với nhiều loại món ăn bao gồm cả các món ăn Nhật, các món ăn Tàu và cả các món ăn của phương Tây. Nói chung thì trẻ em Nhật thích các món ăn phương Tây như là xúc xích (hamburger) hơn là các món ăn Nhật cho nên các món ăn tối tại nhà thường có xu hướng thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của chúng.
Người Nhật có ăn cơm hàng ngày không?
Từ dùng để diễn tả bữa ăn ở Nhật là gohan. Từ này theo nghĩa đen để chỉ gạo được hấp hay đồ chín, nhưng gạo là một loại lương thực quan trọng đối với người dân xứ sở mặt trời mọc, nên gohan còn dùng để chỉ tất cả các món ăn.
Một bữa ăn truyền thống của người Nhật gồm cơm cùng với một món chính là thịt hoặc cá, một vài món ăn thêm (thường là rau được nấu chín), súp (thường là súp miso), và rau muối. Gạo có tính kết dính khi nấu chín nên rất thích hợp với việc dùng đũa.
Trên thực tế thì có rất nhiều người Nhật cảm thấy rất khó chịu nếu không ăn cơm ít nhất mỗi ngày một lần, tuy nhiên hiện nay có khá nhiều người dùng bánh mỳ cho bữa sáng và các loại mì sợi (pasta) cho bữa trưa.
Bữa ăn của người Nhật ngày càng trở nên phụ thuộc vào thịt, bơ sữa, và hoa quả hơn là vào gạo và lúa mì. Một cuộc điều tra cho thấy so với năm 1960 thì vào năm 1993 nhu cầu của người Nhật về thịt tăng 6 lần, nhu cầu về sữa và các sản phẩm bơ sữa tăng 4 lần, nhu cầu về hoa quả tăng 2 lần.
Người Nhật thích ăn món gì nhất?
Thói quen ẩm thực của người Nhật rất đa dạng cho nên rất khó nói là họ thích món ăn nào nhất. Tuy nhiên theo sự điều tra của các nhà hàng bình dân thì món ăn được gọi nhiều nhất là xúc xích, món ca ri (curry) với cơm, và mỳ ống (spaghetti).
Những món ăn trên cũng được yêu chuộng nhất tại nhà. Trong con mắt của người nước ngoài thì Sushi (cơm nắm cá sống), Tempura (tôm, rau tẩm bột rồi đem rán), và Sukiyaki (món lẩu thịt bò với nước tương và rau) là các món ăn truyền thống của người Nhật thì tất nhiên rất phổ biến ở Nhật.
Tính thiên nhiên trong ẩm thực Nhật Bản
- Món ăn tươi sống

Món cá sống lưu giữ trọn vẹn sự tươi ngon của hương vị thiên nhiên. Đó là những lát cá có chiều rộng khoảng 2.5 cm, chiều dài 4 cm và dày chừng 0.5 cm ăn cùng mù tạt, gừng, củ cải trắng, tảo biển cuộn tròn trong lá tía tô chấm trong nước tương ngọt Nhật Bản và tương ớt.
- Món ăn theo mùa
- Vào mùa xuân, để báo hiệu cho mùa đông lạnh giá đã kết thúc, người Nhật ăn món cá shirouo và đón mùa anh đào nở bằng bánh sakura mochi và gạo anh đào. Mùa hè, người Nhật ăn nhiều món ăn mát lành như món lươn, cà tím nướng, đậu edamame, các loại mì lạnh như: mì sợi mỏng somen, mỳ tôm lạnh, các món đậu hũ như: tào phớ Nhật Bản và khổ qua xào đậu hũ của vùng Okinawa. Tháng 5 là mùa cá ngừ, còn tháng 6 là mùa cá ayu. Mùa thu, người Nhật ăn khoai lang nướng, món lăn bột chiên tempura và loại bánh nama-gashi hình quả hồng chín hoặc hình bạch quả. Tháng 9 là tháng của mặt trăng nên những món hầm màu trắng được ưa chuộng như bào ngư, dưa chuột và măng. Để xua tan cái lạnh của mùa đông, người Nhật ăn lẩu, canh oden và món chè đậu đỏ ăn khi còn nóng shiruko. Ngoài ra, người Nhật còn ăn bánh higashi có hình tuyết. Vào mùa đông, người Nhật cũng chuộng ăn các loại quýt, tượng trưng cho mặt trời và dùng để làm quà năm mới.
- Món ăn ngày lễ
Bữa ăn ngày Tết Nguyên đán của Nhật được gọi là osechi, với món không thể thiếu là bánh giầy ozoni.
Sushi

-
- Mùa xuân (dấu hiệu: hoa anh đào nở): người Nhật thường ăn 5 món Sushi hải sản: Hama-guri(làm từ trai biển vỏ cứng), sayori (làm từ cá biển), tori-gai (làm từ sò trứng Nhật Bản), miru-gai(làm từ tôm, cua, trai, sò, vẹm) và kisu(làm từ cá biển đen Nhật Bản).
- Mùa hè (dấu hiệu: lá phong xanh tươi): người Nhật làm 4 món sushi hải sản: awabi (làm từ bào ngư), uzuki (làm từ cá vược biển), anago (làm từ cá chình biển Nhật Bản) và aji (làm từ cá ngừ Nhật Bản).
- Mùa thu (dấu hiệu: lá phong đỏ): người Nhật ăn 3 món sushi là: Kampachi (loài cá thường thay đổi khi chúng lớn lên, từ hiramasa – khi chúng còn nhỏ vào mùa hè đến kampachi -mùa thu và sau cùng là buri -mùa đông), Kohada (làm từ cá trích, cá mòi có chấm) và saba (làm từ Cá thu).
- Mùa đông (dấu hiệu: tuyết): người Nhật ăn các món sushi hải sản: ika (làm từ cá mực), aka-gai (làm từ trai biển lớn), hirame (làm từ cá bơn) và tako (làm từ bạch tuộc).
Ngoài ra, còn có các món sushi ăn quanh năm như: uni (làm từ nhím biển), maguro (làm từ cá ngừ), kuruma ebi (làm từ tôm hùm), tamago (làm từ trứng), và kampyo-maki (bí cuộn tròn).